Truy cập hiện tại

Đang có 61 khách và không thành viên đang online

Lưu Văn Lang, một nhân sĩ lỗi lạc, yêu nước

(TGAG)- Lưu Văn Lang sinh ngày 05/6/1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình nghèo. Cha tên Lưu Văn Cứng, làm nghề thủ công phục vụ nông nghiệp nhưng quyết tâm cho con đi học. Thuở nhỏ, Lưu Văn Lang học chữ nho. Đến năm 10 tuổi mới bắt đầu học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp ở tại Sa Đéc. Lưu Văn Lang vốn rất thông minh lại chăm chỉ nên học rất xuất sắc. Do đó, Lưu Văn Lang giành được suất học bổng lên Sài Gòn, vào học bậc trung học tại trường Chasseloup Laubat.

Năm 17 tuổi (năm 1897), Lưu Văn Lang thi đậu Tú Tài 2 Pháp với hạng tối ưu, nên được chính quyền thực dân cấp học bổng qua Pháp học ở École Centrale de Paris (Trường Bá nghệ trung ương ở Paris). Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures de L’École centrale de Paris), xếp hạng 8/250 sinh viên, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.

Ảnh: Internet
Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước và được nhà cầm quyền Pháp trọng dụng, cử ngay sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đông Dương và Vân Nam.

Từ năm 1910 - 1940, tuyến đường sắt hoàn thành, chính quyền thực dân bố trí ông làm việc tại Sở Công chính Đông Dương, tiếp tục giám sát các công trình quan trọng; liêm khiết và tài năng, kỹ sư Lưu Văn Lang rất được dân ta mến mộ, kính trọng, thường được người dân Nam bộ gọi là “Bác vật Lang” và các kỹ sư Pháp cũng rất kính nể. 

Xuất thân là một học trò nghèo, hiếu học, Lưu Văn Lang tham gia thành lập Hội Khai trí Tiến đức ở Hà Nội và hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học và trở thành những nhà trí thức quan trọng. Từ năm 1943-1944, ông tích cực hỗ trợ phong trào Truyền bá Quốc ngữ tại Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông được Bảo Đại mời ra tham gia nội các để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Minh giành chính quyền, ông thể hiện sự ủng hộ với chính phủ Hồ Chí Minh. Vì thế, khi người Pháp tái chiếm Nam Bộ, họ đã mời ông tham gia Hội đồng tư vấn Nam Kỳ của chính phủ Nam Kỳ quốc do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng, Lưu Văn Lang đã trả lời thẳng thắn: "Je suis trop vieux pour servir de valet!"(Tôi đã quá già để làm đầy tớ!).

Từ đó, nhà ông ở đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) là nơi hội họp, gặp gỡ của số trí thức tiến bộ, yêu nước tại chỗ hoặc ở chiến khu trở về.

Tháng 5/1947, kỹ sư Lưu Văn Lang cùng với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và giáo sư Đặng Minh Trứ vận động gần 400 trí thức ở Sài Gòn ký tên vào Bản kiến nghị đòi chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ kháng chiến để chấm dứt chiến tranh. Cả 3 vị gởi Bản kiến nghị trực tiếp cho Cao ủy Pháp là Bollaert và cải nhau kịch liệt với Bollaert. Sau lần này, Bs Hưởng và Gs Trứ quyết định ra chiến khu. Còn Lưu Văn Lang do tuổi cao (lúc đó đã gần 70 tuổi) ở lại hoạt động yêu nước ở nội thành.

Năm 1948, ông chấp nhận lời đề nghị của chính phủ kháng chiến mời làm cố vấn Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn-Chợ Lớn vừa được thành lập.

Tháng 6/1949, một lần nữa ông cùng hàng trăm tri thức Sài Gòn ký tên vào bảng tuyên ngôn đòi Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh.

Ngày 9/01/1950 đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh-sinh viên và giáo viên các trường ở Sài Gòn, yêu cầu thủ tướng Trần Văn Hữu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt trước đó. Trần Văn Hữu đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp cuộc biểu tình. Học sinh Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn và chết cùng với hơn 30 học sinh bị đánh đập tàn nhẫn. Ngày 12/1/1950, ông là Trưởng ban lễ tang học sinh Trần Văn Ơn, là một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình đông hơn ba trăm ngàn người đưa đám tang học sinh Trần Văn Ơn tại Sài Gòn.

Sau Hiệp định Genève, ông tham gia sáng lập Phong trào Hòa Bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được bầu làm chủ tịch danh dự. Tháng 11/1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào, nhưng chúng phải thả ông ra ngay vì uy tín quá lớn của ông.

Tháng 7/1955, một lần nữa ông cùng với Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, chính quyền giải tán, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị thủ tiêu dã man. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958.

Thời gian sau đó cho đến cuối đời, không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng Lưu Văn Lang vẫn có những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ngay giữa Sài Gòn.

Ông qua đời tại Sài Gòn vào ngày 3/6/1969, thọ 89 tuổi. Ngày nay, nhắc đến các hoạt động nội đô Sài Gòn trong những năm chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, ai ai cũng nhớ đến kỹ sư Lưu Văn Lang, một nhân sĩ trí thức tiêu biểu của Sài Gòn với niềm cảm phục và quý mến.

Vài giai thoại về Bác vật Lang

Đương thời, Lưu Văn Lang nổi tiếng giỏi nghề và rất đức độ nên được sự kính nể của các người Pháp lẫn người Việt. Đặc biệt, người Nam Bộ bấy giờ thường đồn đại nhiều giai thoại về "Bác vật Lang" hiểu thấu nhiều bí mật về "Thiên cơ", chẳng hạn như vùng đất nào sẽ sụp lở, chiếc cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt...

Một giai thoại nổi tiếng đầu thế kỷ 20 tại Bạc Liêu, khi cầu Long Thạnh (do một kỹ sư Pháp chủ trì) xây dựng sắp xong, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp hết sức phẫn nộ nhưng rồi vô cùng bái phục bởi cây cầu sập đúng thời gian như ông nói. Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là cầu Sập. Do việc này, viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó rất khâm phục nên đối đãi với ông rất hậu hỉ. Để đáp lại tình cảm đó, ông xây tặng viên tỉnh trưởng một chiếc đồng hồ mặt trời ngay trong dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu).

Chiếc đồng hồ này xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía đông ở trước sân dinh tỉnh trưởng. Đồng hồ gồm 3 phần: Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy.

Một giai thoại khác về hang Bác vật Lang tại núi Cấm (An Giang). Khi người Pháp thám sát các hang núi Cấm, họ đã đưa Bác vật Lang lên núi Cấm và thòng dây thả ông xuống để thám sát lòng hang này. Trong hang rất tối, lạnh lẽo, thiếu dưỡng khí nên mọi thứ đèn đuốc đều khó cháy sáng. Sau gần một ngày xem xét ở dưới đó, ông trở lên mặt đất và từ đó ông không nói một lời nào… Từ đó, người dân gọi tên hang là hang Bác vật Lang .

Lưu Văn Lang là kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương tốt nghiệp École Centrale de Paris, một trường đại học nổi tiếng của nước Pháp lúc đó. Ông chẳng những là một kỹ sư đầy tài năng, để lại cho đời nhiều huyền thoại. Ông còn là một người yêu nước nhiệt thành, có nhiều đóng góp công sức quý báu trong 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ở Tp Hồ Chí Minh đã có một con đường mang tên Lưu Văn Lang. Ở Sa Đéc cũng thế.

Ở Núi Cấm hiện nay có hang Bác vật Lang. Nên chăng trường trung học phổ thông Chi Lăng, gần Núi Cấm, đặt tên là trường trung học phổ thông Lưu Văn Lang. 

ĐẶNG  HOÀI  DŨNG,
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39850553